Trang chủ Dân sinh Bản sao báo chí: Sự đe dọa của AI đối với nghề báo

Bản sao báo chí: Sự đe dọa của AI đối với nghề báo

bởi Linh

Nghề báo đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghệ với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI). Liệu AI có thể thay thế nhà báo trong việc sáng tạo nội dung và thể hiện quan điểm?

Tháng 3/2025, nhà báo công nghệ Alex Kantrowitz đã chia sẻ trên blog Medium một trải nghiệm khiến ông “thực sự bắt đầu nghĩ rằng AI có thể làm thay công việc của mình”. Ông kể lại cuộc gặp với Evan Ratliff, một nhà báo Mỹ, người đã tạo ra bản sao giọng nói của chính mình bằng AI và để nó… đi làm thay.

TS. Đỗ Anh Đức

TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông số, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Câu chuyện của Kantrowitz và Ratliff không còn là một thí nghiệm ngoại lệ. Khi các hệ thống trí tuệ nhân tạo ngày càng học được cách viết tin, dựng video, dẫn chương trình, thậm chí nhập vai thành nhà báo với quan điểm và lối hành văn riêng biệt, chúng ta buộc phải đặt ra một câu hỏi vừa chuyên môn, vừa đạo đức: Chuyện gì sẽ xảy ra khi sản phẩm và chủ thể sáng tạo báo chí bắt đầu được “sao chép” bằng máy móc?

Sự nổi lên của “bản sao báo chí” bằng AI

Nếu như trước đây, các công cụ AI chủ yếu dừng lại ở việc hỗ trợ biên tập, thì giờ đây, chúng đang bước vào một giai đoạn mới: tái tạo toàn bộ trải nghiệm của một bài báo, từ cách hành văn, nhịp điệu, đến lập luận và quan điểm.

Nhiều nhà báo đã thử nghiệm điều này. Nhà báo Kevin Roose của New York Times từng yêu cầu một chatbot AI viết lại một bài xã luận với giọng điệu y hệt ông. Tác giả kiêm nhà phê bình công nghệ Casey Newton cũng yêu cầu Claude viết lại bản tin hằng ngày của mình.

Đi xa hơn, các nền tảng AI hiện nay còn có thể tạo ra bản sao cá nhân hóa của các nhà báo cụ thể. Tháng 5/2024, startup HeyGen đã tung ra một bản demo cho phép người dùng “clone” một nhà báo nổi tiếng và để bản sao này dẫn chương trình bình luận thời sự.

Khủng hoảng tác quyền phi vật thể

Một trong những điều từng là “đặc quyền” nghề nghiệp của nhà báo chính là lập trường và giọng điệu cá nhân. Nhưng giờ đây, AI không chỉ học cách viết mà còn học cả cách thể hiện quan điểm.

Bản sao báo chí

Hồi tháng 5/2024, Reuters đưa tin Open AI đã ký các thỏa thuận bản quyền nội dung với The Atlantic và Vox Media. Các thỏa thuận này cho phép AI truy cập kho bài viết của họ để “huấn luyện phong cách viết” cho ChatGPT.

Tuy nhiên, việc này cũng gây ra tranh cãi trong giới báo chí Mỹ. Liệu một hệ thống có thể tái hiện lối hành văn kiểu Ezra Klein, hay mô phỏng giọng bình luận của Anne Applebaum, thì đâu là ranh giới giữa “tham khảo” và “xâm phạm tinh thần tác giả”?

Thay lời kết

Trong một thế giới nơi nội dung được trích lọc, tái chế bởi thuật toán mà không gắn với con người cụ thể, giá trị đạo đức, chính trị và văn hóa của báo chí có nguy cơ bị xói mòn.

Tại Việt Nam, các cơ quan báo chí cũng đang chịu áp lực chuyển đổi số và tìm cách tận dụng AI. Tuy nhiên, quá trình này cần được đặt trong một tầm nhìn dài hạn, nơi công nghệ hỗ trợ chứ không thay thế báo chí.

Có thể bạn quan tâm