Cuộc xung đột Israel-Iran gần đây đã thu hút sự chú ý toàn cầu với sự can dự trực tiếp của Mỹ. Chuyên gia Algeria Hasni Abidi đã phân tích sâu về cuộc chiến này và những ý nghĩa chính trị phức tạp.
Cuộc xung đột giữa Israel và Iran kéo dài 12 ngày, với sự tham gia của Mỹ, không đơn thuần chỉ tập trung vào việc phá hủy chương trình hạt nhân của Tehran. Theo ông Abidi, điểm mới của cuộc chiến này là việc Israel lần đầu tiên đã lôi kéo được Mỹ can dự quân sự trực tiếp vào một cuộc chiến chống Iran, điều mà các chính quyền Mỹ trước đây luôn tránh né.
Cuộc chiến kết thúc sau 12 ngày giao tranh quyết liệt bằng tên lửa, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu. Israel tuyên bố mục tiêu chính là phá hủy chương trình hạt nhân Iran, mối đe dọa tồn tại của Tel Aviv trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, chuyên gia Abidi cho rằng đằng sau đó còn là những toan tính lớn hơn, bao gồm cả việc thay đổi chế độ tại Iran và đẩy nước này vào trạng thái hỗn loạn chính trị.
Ông Abidi cũng chỉ ra những điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống phòng không và khả năng phản ứng của Iran, khi nhiều sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng bị sát hại ngay trong ngày đầu tiên.
Mức độ thâm nhập tình báo sâu rộng của Israel vào Iran đã gây bất ngờ lớn. Trong khi đó, các đồng minh quan trọng của Tehran như Nga và Trung Quốc lại chọn giữ khoảng cách, khiến Iran rơi vào thế cô lập.
Về lý do Mỹ chấm dứt chiến dịch chỉ sau vài ngày không kích các mục tiêu hạt nhân, ông Abidi cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tránh sa lầy quân sự và giảm thiểu phản ứng tiêu cực trong nước.
Dù vậy, ông Trump vẫn khẳng định vai trò của mình trong việc “bảo vệ” các cơ sở dầu khí vùng Vịnh khỏi thiệt hại.
Giải pháp chính trị chấm dứt chiến sự, theo ông Abidi, là nhờ vai trò trung gian hiệu quả của Qatar. Nước này đã giúp mở ra lối thoát cho cả ba bên Mỹ, Israel và Iran, khi Tehran chấp nhận đàm phán để tránh leo thang nguy hiểm.
Dù vậy, thỏa thuận ngừng bắn được đánh giá là bất đối xứng, khi Iran buộc phải dừng tấn công sớm hơn 6 giờ so với Israel.
Liên quan đến việc cả Iran và Israel đều tuyên bố “thắng lợi,” ông Abidi cho rằng cả hai đều không đạt được đầy đủ mục tiêu. Israel không thể xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran hay làm suy yếu thể chế cầm quyền, trong khi Iran vẫn giữ được nền tảng quyền lực nhưng phải đối mặt với thiệt hại nặng nề và áp lực trả đũa.