Trang chủ Dân sinh Đề xuất giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần để bảo vệ nguồn nhân lực

Đề xuất giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần để bảo vệ nguồn nhân lực

bởi Linh

Giảm giờ làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động là một trong những đề xuất được đưa ra tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, cho rằng việc giảm giờ làm việc sẽ góp phần bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, con người là yếu tố quyết định sự tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược hoặc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Ông cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp, từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần, tiến tới còn 40 giờ. Đề xuất này cũng từng được đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu tại Kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2023.

Liên quan đến giảm giờ làm việc, Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.

Năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu đề xuất này, nhằm hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

Bộ luật Lao động 2019 hiện hành quy định người lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ mỗi tuần.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có Công ước 47 về làm việc 40 giờ một tuần, xác định các quốc gia cần tiếp tục giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc.

Đầu tư vào phát triển nhân lực chất lượng cao

Cùng quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong bối cảnh kinh tế – xã hội nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cần quan tâm tập trung các giải pháp để phát triển thị trường lao động.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh

“Đầu tư có trọng tâm vào phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhân lực đổi mới sáng tạo” là một trong những đề xuất của nữ đại biểu tỉnh Ninh Bình.

Để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ sớm triển khai đưa các chính sách tại Luật Việc làm (sửa đổi) đi vào cuộc sống.

Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm; xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm