Chính phủ vừa trình Quốc hội việc bổ sung hình thức đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam, cho phép áp dụng hình thức đầu tư tư nhân nhằm mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp vào dự án quan trọng quốc gia. Trước đó, dự án này đã được Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư công.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam theo hình thức đầu tư tư nhân trực tiếp. Chính phủ đánh giá rằng hiện chưa có hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), đầu tư tư nhân trực tiếp hay hình thức khác được quy định áp dụng cho dự án này.
Thực tiễn quốc tế cho thấy hạ tầng đường sắt phần lớn được đầu tư bằng vốn công do suất đầu tư lớn, hiệu quả tài chính thấp, thời gian thu hồi vốn dài. Một số nước đã triển khai PPP nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung các hình thức đầu tư khác ngoài đầu tư công, bao gồm PPP hoặc đầu tư kinh doanh.

Tuyến đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản
Theo đề xuất của Công ty VinSpeed, doanh nghiệp này muốn đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam bằng hình thức đầu tư trực tiếp, không qua PPP hay đầu tư công. VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% vốn, phần còn lại đề nghị Nhà nước cho vay không lãi suất trong 35 năm. Ngoài ra, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng gửi văn bản đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tổng mức hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí đền bù, tái định cư.
Các doanh nghiệp đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi như miễn thuế thiết bị, phương tiện; thời gian hoạt động 99 năm; giá vé thấp hơn 60-70% so với giá trần vé máy bay. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn cần sự hỗ trợ và bảo lãnh của Chính phủ.