Trang chủ Tài chính Đồng tiền Việt Nam mất giá bất chấp USD suy yếu: Nguyên nhân và triển vọng

Đồng tiền Việt Nam mất giá bất chấp USD suy yếu: Nguyên nhân và triển vọng

bởi Linh

Thị trường tiền tệ Việt Nam đang trải qua một giai đoạn biến động với sự mất giá của đồng tiền Việt Nam (VND) bất chấp sự suy yếu của USD trên thị trường quốc tế.

Tiền đồng là một trong những đồng tiền suy yếu nhiều nhất trong khu vực từ sau ngày 30/4, trong khi các đồng tiền châu Á nhìn chung đang phục hồi trong quý II năm nay. Tính từ đầu quý đến nay, tiền đồng đã mất giá hơn 2,7%, có thời điểm chạm mức thấp kỷ lục mới vào khoảng 26.300 đồng một USD.

Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), cho rằng sự mất giá của tiền đồng có thể xuất phát từ nhu cầu USD tăng lên trong nước, đặc biệt là từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng đột biến trước thời điểm thuế quan có hiệu lực.

Giả định này được củng cố bởi tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ 14% và nhập khẩu tăng 17,5% trong 5 tháng đầu năm. Nhu cầu này mang tính mùa vụ và có thể giảm khi thuế quan được áp dụng.

Ngoài ra, việc Kho bạc Nhà nước mua gần 1,9 tỷ USD từ đầu năm đến nay cũng làm giảm trạng thái ngoại tệ của hệ thống, xuống còn khoảng 750 triệu USD vào giữa tháng 6.

Nhóm phân tích của Ngân hàng UOB cho rằng sự suy yếu của tiền đồng trong ngắn hạn còn do triển vọng kinh tế không mấy tích cực trước tác động của thuế quan. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương mại, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, khiến tiền đồng dễ bị ảnh hưởng.

UOB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 6% trong năm 2025 và 6,3% trong năm 2026. Nếu đàm phán thương mại Mỹ – Việt không đạt tiến triển, áp lực lên tiền đồng có thể tiếp tục.

Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, tiền đồng có thể bắt đầu phục hồi khi bất ổn thương mại lắng dịu. UOB dự báo tiền đồng sẽ mạnh lên 26.100 VND/USD trong quý cuối năm nay, lên 25.900 trong đầu quý I năm sau và 25.700 đồng trong quý II/2026.

Cùng quan điểm, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực lên tỷ giá có thể giảm nếu kết quả đàm phán tích cực và Ngân hàng Nhà nước can thiệp trên thị trường mở.

VDSC cũng lưu ý rằng trong nửa cuối năm nay, cân đối cung cầu ngoại tệ vẫn sẽ căng thẳng do thặng dư thương mại giảm và nhu cầu tích trữ USD có thể gia tăng.

Có thể bạn quan tâm