Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và đồng USD mạnh lên, đồng Việt Nam (VND) đã xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Tỷ giá USD/VND đã vượt qua mức đỉnh từng ghi nhận hồi tháng 4, xuống còn 26.130 VND/USD.
Áp lực tỷ giá gia tăng
Theo số liệu từ Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 19/6, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới. Sự suy yếu của đồng VND diễn ra cùng lúc với đà giảm của nhiều đồng tiền châu Á khác, khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn sau thông tin về khả năng Mỹ tấn công Iran.

Tỷ giá USD/VND tăng lên mức kỷ lục
Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đồng nội tệ Việt Nam còn chịu thêm áp lực khi Mỹ đang cân nhắc áp thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này làm gia tăng lo ngại về tác động tiêu cực đến kinh tế và tỷ giá hối đoái.
“Việc đồng VND suy yếu phần lớn đến từ đà phục hồi mạnh của đồng USD,” ông Chunyu Zhang, chuyên gia phân tích về ngoại hối và lãi suất khu vực châu Á tại Bloomberg Intelligence, nhận định. “Trong ngắn hạn, đồng VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị định giá thấp hơn so với các đồng tiền trong khu vực, cho đến khi căng thẳng thương mại với Mỹ được giải tỏa.”
Tỷ giá USD/VND liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây đang đặt ra nhiều thách thức cho chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) đã có những biến động đáng kể trong tháng 5. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng tỷ giá USD/VND trong nước tăng do dự trữ ngoại hối suy giảm và Kho bạc Nhà nước liên tục mua USD từ các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, áp lực tỷ giá có thể giảm trong nửa cuối năm 2025 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng giảm lãi suất và đồng USD có xu hướng giảm trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn duy trì mạnh mẽ, và xuất khẩu có thể hồi phục nếu kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ khả quan.