Thị trường dầu mỏ châu Á chứng kiến sự giảm nhẹ vào phiên giao dịch chiều 11/6 khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu tạm lắng sau thỏa thuận khung.
Giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu dầu yếu từ Trung Quốc và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, quyết định tăng sản lượng.
Vào lúc 13 giờ 44 phút (giờ Việt Nam) ngày 11/6, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 15 xu Mỹ (0,2%) xuống 66,72 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 10 xu Mỹ (0,2%) xuống 64,88 USD/thùng.
Sau hai ngày đàm phán cấp cao tại London, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận khung quan trọng nhằm giải quyết các căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn cần được lãnh đạo hai nước phê chuẩn chính thức.
Các chuyên gia phân tích cho rằng kết quả đàm phán sẽ giúp giảm bớt rủi ro tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc và tạo sự ổn định cho kinh tế Mỹ, từ đó hỗ trợ nhu cầu và giá dầu thô.
OPEC+ dự kiến tăng sản lượng dầu thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 7/2025, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp nới lỏng các đợt cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại rằng nhu cầu trong khu vực sẽ không hấp thụ hết lượng dầu dư thừa.
Chuyên gia kinh tế Hamad Hussain của công ty tư vấn kinh tế Capital Economics nhận định rằng nhu cầu dầu mỏ tăng tại các nước thành viên OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia, có thể bù trừ phần nào nguồn cung tăng trong vài tháng tới.
Cuối ngày 11/6, thị trường sẽ tập trung vào báo cáo dự trữ dầu hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Dự trữ dầu thô của Mỹ được dự đoán sẽ giảm 2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/6.