Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động, với sắc xanh áp đảo trên hầu hết các nhóm hàng hóa.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, chỉ số MXV-Index tăng mạnh gần 2% lên 2.268 điểm. Nhóm năng lượng là tâm điểm của thị trường khi giá dầu thô tăng vọt 12-13% trong tuần qua.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng vọt hơn 13%, lên mức 72,9 USD/thùng – mức cao nhất trong vòng hơn 4 tháng trở lại đây. Dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng trên 11%, chạm mốc 74,23 USD/thùng. Động lực chính thúc đẩy đà tăng giá dầu tuần qua đến từ căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông.
Căng thẳng giữa Israel và Iran bùng phát vào cuối tuần đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu, đặc biệt tại các tuyến hàng hải trọng yếu như eo biển Hormuz. Ngoài ra, động thái bất ngờ từ phía Chính phủ Mỹ khi rút nhân viên khỏi Đại sứ quán tại Baghdad (Iraq) và một số nước Trung Đông khác cũng làm gia tăng tâm lý bất ổn trên thị trường dầu mỏ.
Trước đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đã căng thẳng trở lại xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Nếu đàm phán giữa hai bên đổ vỡ, nguồn cung từ Iran sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của Nhà Trắng.
Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại London cũng góp phần củng cố tâm lý thị trường. Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu đất hiếm và nam châm sang Mỹ, trong khi Mỹ tiếp tục cho phép sinh viên Trung Quốc học tập tại các trường đại học Mỹ.
Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được tiến triển trong đàm phán đã hỗ trợ đà tăng của giá dầu, khi kỳ vọng về sự phục hồi thương mại và nhu cầu năng lượng được củng cố. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn chi phối thị trường do nhà đầu tư còn lo ngại về khả năng hai nước đạt được một thỏa thuận toàn diện, lâu dài.

Nhu cầu tiêu thụ đường toàn cầu tiếp tục suy yếu
Áp lực nguồn cung đè nặng lên giá đường
Trái ngược với xu hướng chung trên thị trường, giá đường tháng 11 giảm hơn 2% về mức 355 USD/tấn, mức thấp nhất trong gần 4 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính kéo giá đường lao dốc là triển vọng nguồn cung toàn cầu tiếp tục dồi dào trong niên vụ 2025-2026.
Tại Ấn Độ, sản lượng đường dự kiến tăng tới 19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 35 triệu tấn. Tại Thái Lan, sản lượng đường niên vụ 2025–2026 đạt 10,05 triệu tấn, nhỉnh hơn so với vụ trước.
Dự báo của UNICA cũng cho thấy sản lượng mía nghiền tại khu vực Trung Nam Brazil tăng 1,2% so với cùng kỳ, đạt 45,91 triệu tấn; sản lượng đường tăng 4,7% lên 2,84 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ đường toàn cầu tiếp tục suy yếu, góp phần kéo dài đà giảm của giá đường.