Google đang đối mặt với một thử thách pháp lý mới tại EU khi một cố vấn của tòa án cấp cao nhất châu Âu ủng hộ cơ quan quản lý chống độc quyền.
Vụ việc này liên quan đến khoản tiền phạt 4,34 tỷ euro mà Google phải chịu từ năm 2018 vì lợi dụng hệ điều hành Android để cản trở đối thủ cạnh tranh.
Google đã kháng cáo quyết định này lên tòa án hàng đầu của châu Âu sau khi một tòa án cấp thấp hơn giữ nguyên kết luận của EU nhưng giảm nhẹ khoản tiền phạt xuống còn 4,1 tỷ euro vào năm 2022.
Cố vấn pháp lý của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU), Juliane Kokott, đã đề nghị tòa án bác bỏ đơn kháng cáo của Google và giữ nguyên mức phạt đã được điều chỉnh.
Theo bà Kokott, lập luận của Google là “không hiệu quả” và việc so sánh Google với một đối thủ cạnh tranh hiệu quả tương tự là “không thực tế” trong trường hợp này.
Bà nhấn mạnh rằng Google đã nắm giữ vị thế thống lĩnh trên nhiều thị trường thuộc hệ sinh thái Android, hưởng lợi từ hiệu ứng mạng lưới giúp đảm bảo người dùng sử dụng Google Search.

Google đối mặt với khó khăn pháp lý mới
Thông thường, các thẩm phán sẽ tuân theo khoảng bốn trong số năm ý kiến không mang tính ràng buộc tương tự. Phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tháng tới.
Phát ngôn viên của Google cho biết Android đã tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người dùng và hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp thành công trên toàn cầu.
Tuy nhiên, họ bày tỏ sự thất vọng với ý kiến của bà Kokott, cho rằng việc Tòa án chấp thuận ý kiến này sẽ ảnh hưởng tới các khoản đầu tư vào các nền tảng mở, gây bất lợi cho người dùng Android.
Cơ quan quản lý cáo buộc rằng Google đã yêu cầu các nhà sản xuất cài đặt sẵn ứng dụng Google Search, trình duyệt Chrome và cửa hàng ứng dụng Google Play trên các thiết bị Android từ năm 2011.
Hệ điều hành Android hiện chạy trên khoảng 73% số điện thoại thông minh toàn cầu, theo số liệu từ Statcounter.