Hai chính sách mới vừa được ban hành và đang lấy ý kiến sẽ tạo thêm dư địa tăng vốn và thúc đẩy xử lý nợ xấu, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Tăng room ngoại tối đa 49% cho ngân hàng tham gia tái cơ cấu
Theo Nghị định 69 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 19/5/2025, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tham gia phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 49%, thay vì giới hạn 30% như hiện nay.
Danh sách hiện tại ghi nhận bốn ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém gồm HDBank, MB, Vietcombank và VPBank. Tuy nhiên, chính sách nới room ngoại sẽ chỉ áp dụng cho ba ngân hàng còn lại, ngoại trừ Vietcombank do đang có vốn nhà nước chi phối.
Ngân hàng đang có nhiều cơ hội tăng vốn và xử lý nợ xấu nhờ các chính sách mới.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa cho ngân hàng tham gia tái cơ cấu
Theo đánh giá từ các chuyên gia Chứng khoán MB, nghị định này sẽ giúp các ngân hàng thương mại cổ phần có thêm dư địa tăng vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng này chưa thực sự cấp thiết trong việc sử dụng room ngoại tăng thêm.
VPBank sau khi có đối tác chiến lược là SMBC đã tăng CAR lên mức hơn 14% tại cuối quý I, đứng thứ hai toàn ngành. Trong khi đó, MB và HDBank hiện vẫn đang khóa room ngoại dưới mức 30% lần lượt là 23,2% và 17,5%.
Luật hóa Nghị quyết 42: Củng cố nền tảng pháp lý xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, trong đó điểm nổi bật là luật hóa các quy định của Nghị quyết 42.
Theo NHNN, dự thảo Luật lần này luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiễn, bao gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm và hoàn trả tài sản bảo đảm.
Nhóm chuyên viên MBS nhận định những ngân hàng lớn có chi phí trích lập lớn như VietinBank, VPBank và những ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, MSB, VIB sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu dự thảo này được thông qua.
Việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và chi phí xử lý nợ, nâng cao ý thức trả nợ của người đi vay và cải thiện chất lượng tài sản toàn hệ thống.