Ngày 13/6/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn về định hướng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035.
Phát triển kinh tế và nâng cao đời sống dân nông thôn
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được triển khai từ năm 2010. Đến nay, cả nước có 6.001/7.696 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương ứng 78%. Kinh tế xã hội nông thôn tiếp tục chuyển đổi tích cực với tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống 11,8% GDP năm 2024, nhưng vẫn duy trì tăng trưởng 3,2% mỗi năm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: “Kinh tế xã hội nông thôn tiếp tục chuyển đổi tích cực”.
Thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 54,07 triệu đồng/năm, tăng 28,7%. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có 16.500 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, bao phủ ở cả 63 tỉnh. Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần vùng nông thôn cũng khởi sắc.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, như chênh lệch vùng miền, hạ tầng còn yếu, mất cân bằng đô thị – nông thôn, nguồn nhân lực nông thôn mất cân đối.
Dự thảo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2035 đề ra định hướng đến năm 2035: Hoàn thiện hạ tầng, phát triển toàn diện, hiện đại hóa kinh tế – xã hội nông thôn.
Giải pháp thực hiện
Để thực hiện mục tiêu này, Dự thảo đề ra nhiều giải pháp thực hiện, bao gồm quy hoạch đồng bộ theo điều kiện vùng, đầu tư hiện đại hóa hạ tầng, đổi mới khoa học – công nghệ, đào tạo nghề đa dạng, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an sinh đồng đều.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng Chương trình mới cần kế thừa tối đa những thành quả của cả 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng các tiêu chí mới phù hợp với bối cảnh xây dựng chính quyền 2 cấp.

Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Bí quyết thành công là biến chương trình trở thành cuộc vận động toàn dân cùng tham gia”.
Tránh đánh mất bản sắc riêng của mỗi xóm làng
Các đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng khi xây dựng tiêu chí Nông thôn mới và triển khai cần tránh áp đặt văn hóa, cào bằng chạy theo chỉ tiêu sẽ làm mất bản sắc của từng xã, thôn xóm.
Cần xác định rõ nội hàm “hiện đại” trong mối quan hệ kết nối với truyền thống, tránh tách bạch sẽ làm lu mờ những giá trị văn hóa của địa phương.