Cuộc không kích của Mỹ và Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, nhưng không phá hủy hoàn toàn cơ sở Fordow.
Dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố các cơ sở hạt nhân của Iran đã bị “phá hủy hoàn toàn” trong loạt ném bom của Mỹ, đánh giá ban đầu của quân đội Mỹ và Israel cho thấy thực tế thận trọng hơn.
Hai quan chức Israel cho biết cơ sở Fordow làm giàu urani đã hứng chịu thiệt hại nặng từ cuộc không kích của Mỹ, song không bị phá hủy hoàn toàn. Iran dường như đã di chuyển thiết bị và một lượng urani khỏi cơ sở trước khi bị tấn công.
Một quan chức cấp cao Mỹ xác nhận cuộc tấn công đã gây “hư hại nghiêm trọng”, khiến Fordow “không còn khả năng hoạt động”, nhưng lưu ý rằng ngay cả 12 quả bom xuyên boongke cũng không thể phá hủy hoàn toàn cơ sở này.

Cơ sở hạt nhân Fordow của Iran
Mỹ đã sử dụng bom xuyên boongke nặng hơn 13 tấn trong cuộc tấn công nhằm vào 3 cơ sở hạt nhân, trong đó có Fordow – được coi là địa điểm hạt nhân trọng yếu nhất của Iran.
Tại buổi họp báo, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân mới của Mỹ – Tướng Dan Caine cho biết cả 3 địa điểm đều “chịu thiệt hại nghiêm trọng”, nhưng cần thêm thời gian để xác định Iran còn duy trì được năng lực hạt nhân nào hay không.
Phía Israel dựa vào ảnh vệ tinh, ảnh trinh sát đường không và hoạt động tình báo tại Fordow để đánh giá tình hình. Hình ảnh do Planet Labs và Maxar Technologies công bố cho thấy có dấu hiệu các hố bom và thay đổi cấu trúc đất tại điểm nghi bị tấn công.
Một số hình ảnh trước cuộc tấn công còn cho thấy khoảng 16 xe tải tập kết gần lối vào Fordow. Trung tâm phân tích nguồn mở tại London nhận định Iran có thể đã có chuẩn bị nhất định trước khi bị tấn công.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Mick Mulroy nhận định loại vũ khí được sử dụng trong đợt không kích có thể khiến chương trình hạt nhân Iran chậm lại từ 2-3 năm.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi cảnh báo an ninh toàn cầu, kêu gọi công dân Mỹ ở nước ngoài nâng cao cảnh giác do tình hình xung đột leo thang ở Trung Đông.