Trong quá trình chuyển đổi số, việc phát triển kinh tế số đang được xem là một trong những định hướng quan trọng để giúp Việt Nam vào nhóm có quy mô nền kinh tế lớn. GS. TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (ĐH Kinh tế TP HCM), đã có những chia sẻ về đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này.
Người dân phải thực sự được hưởng lợi từ kinh tế số
Đề tài nghiên cứu “Phát triển kinh tế số: Định hướng và giải pháp chính sách” đang được GS. TS Võ Xuân Vinh và nhóm nghiên cứu thực hiện. Mục tiêu của đề tài là góp phần bổ sung về mặt lý luận chính trị để chuẩn bị cho văn kiện đại hội Đảng; đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Trường Đai học Kinh tế TP.HCM) phát biểu tại Hội thảo ICBF2024.
Định hướng mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế số Việt Nam
Để phát triển kinh tế số, cần xác định mục tiêu tổng quát là kinh tế số trở thành trụ cột quan trọng trong xây dựng xã hội số và chính phủ số. Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của kinh tế số gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP. Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%; Đạt 1.5 triệu nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp.
Lợi ích của kinh tế số
Khi kinh tế số phát triển, nó có thể giúp thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Từ đó, kinh tế số giúp cho doanh nghiệp quản trị tốt hơn, tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn từ nhiều nguồn. Người lao động cũng có thể thông qua mạng internet, các công cụ số để làm việc ở nhà, giải quyết công việc nhanh chóng trong thời gian ngắn và làm được nhiều việc cùng lúc.
Ngoài ra, phát triển kinh tế số cũng giúp cho mỗi người dân đều có thể tham gia vào nền kinh tế với vai trò không những là người sản xuất đơn thuần mà họ còn có thể trở thành những nhà kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua nền tảng video.
GS.TS Võ Xuân Vinh (hàng đầu bên phải) cùng các nhà khoa học tại Hội thảo thường niên về những vấn đề nổi bật của nền kinh tế châu Á tại Nhật Bản tháng 9/2024
Thách thức và giải pháp
Hiện nay, chúng ta đang phát triển mạnh mẽ kinh tế số nhưng cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cái thứ nhất là hạ tầng cơ sở, Việt Nam tuy có mạng lưới di động phủ sóng rộng khắp với qui mô tương đối lớn, tuy nhiên có 2/3 dân số sống ở nông thôn, đường giao thông, mạng lưới internet… chưa thể bao phủ hết.
Để phát triển kinh tế số, cần thực hiện một số giải pháp như hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, nền tảng số quốc gia. Đẩy mạnh phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.
Chuẩn bị cho tương lai
Về công tác chuẩn bị, đối với các doanh nghiệp thì hiện nay, việc lựa chọn các nền tảng sẽ giúp cho các doanh nghiệp quản trị được yếu tố đầu vào tốt hơn, đưa sản phẩm ra thị trường với chi phí thấp hơn. Muốn vậy thì các doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ và tư vấn.
Còn đối với người dân, để hiểu được, để tham gia được vào nền kinh tế số, và để có thể tận dụng tốt hơn thì đòi hỏi phải có kiến thức số và kỹ năng số, việc này rất quan trọng.