Tổng giá trị phát hành trái phiếu mới trong tháng 5 đạt 66.000 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng trước. Toàn bộ lượng phát hành này là trái phiếu được phát hành riêng lẻ.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, tổng lượng phát hành mới đạt 137.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm ngân hàng thương mại là chủ yếu với lượng phát hành mới gần 100.000 tỷ đồng, tăng 193% so với cùng kỳ.
Ngân hàng dẫn đầu lượng phát hành trái phiếu
Theo báo cáo của VIS Rating, trái phiếu thường chiếm 63% tổng giá trị phát hành mới của ngân hàng, có kỳ hạn từ 2-3 năm và lãi suất coupon kỳ đầu từ 5,1% đến 6%/năm. Trong khi đó, trái phiếu thứ cấp mới của ngân hàng có kỳ hạn từ 7-8 năm và lãi suất khởi điểm từ 5,68% đến 8,2%/năm.
Các chuyên gia của VIS Rating cho rằng, với tăng trưởng cho vay cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động tiền gửi, các ngân hàng sẽ tăng phát hành trái phiếu dài hạn để đáp ứng nhu cầu vốn.
Trong 5 tháng đầu năm, các ngân hàng đã phát hành trái phiếu với số lượng lớn. Nổi bật là VPBank với 5 đợt phát hành có tổng giá trị huy động đến 10.000 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV (hơn 6.000 tỷ đồng), ABBank (4.200 tỷ đồng), Techcombank (2.000 tỷ đồng), Bac A Bank (2.000 tỷ đồng),…

Lượng trái phiếu phát hành trong 5 tháng tăng mạnh
Ngân hàng tăng phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn.
“Trái phiếu thứ cấp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các ngân hàng Việt Nam đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, báo cáo cho hay.
Các chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng các ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu thứ cấp trong giai đoạn 2025-2026 để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, có bao gồm cấu phần vốn cấp 2. Các trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện có thể được ghi nhận là vốn theo quy định, giúp ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn mà không cần pha loãng vốn cổ phần.

Tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn