Sau hơn một tháng lấy ý kiến, đã có 280.226.909 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. Tuyệt đại đa số (99,75%) tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác, phần lớn ý kiến tán thành sửa đổi các điều 9, 10 và khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp năm 2013.

Tiếp tục khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” vào Điều 9. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tiếp tục khẳng định các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Về tổ chức chính quyền địa phương, đa số ý kiến tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung các điều tại Chương IX của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Có ý kiến đề nghị giữ lại quy định về “cấp chính quyền địa phương” như Hiến pháp hiện hành.
Để thực hiện chủ trương tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội và gửi lấy ý kiến Nhân dân quy định mô hình tổ chức của chính quyền địa phương ở mỗi cấp đều có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.
Cuối cùng, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị giữ lại quy định về quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp, nhằm bảo đảm yêu cầu tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò giám sát và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân thông qua Hội đồng Nhân dân các cấp.