Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi sắc đỏ bao trùm hầu hết các nhóm hàng hóa chính.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau 6 phiên tăng liên tiếp, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/6. Chỉ số MXV-Index giảm hơn 0,6% xuống còn 2.219 điểm, chấm dứt chuỗi tăng trưởng liên tiếp.
Nhóm nguyên liệu công nghiệp là tâm điểm của thị trường khi có đến 7 trên 9 mặt hàng giảm giá, dẫn dắt xu hướng suy yếu của toàn thị trường. Ca cao là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm, mất hơn 5,6% giá trị, xuống mức 9.602 USD/tấn – mức thấp nhất trong vòng một tuần trở lại đây.

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới giảm mạnh
Giá dầu cọ Malaysia cũng giảm hơn 1,5% xuống mức 914 USD/tấn. Theo MXV, điều kiện thời tiết thuận lợi tại các vùng sản xuất của Tây Phi và lượng tồn kho phục hồi mạnh là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá ca cao.
Đà phục hồi trong lượng tồn kho ca cao hiện tại cũng tạo áp lực lên thị trường. Tồn kho ca cao do ICE giám sát tại các cảng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 9 tháng trở lại đây với hơn 2,25 triệu bao.
Đối với mặt hàng dầu cọ Malaysia, áp lực nguồn cung vẫn đang tiếp tục đè nặng lên giá. Tồn kho dầu cọ của Malaysia trong tháng 5 tăng tháng thứ ba liên tiếp, đạt 1,99 triệu tấn – mức cao nhất trong 8 tháng.
Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng dầu cọ tại quốc gia sản xuất lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, khiến tồn kho trong tháng 5 tăng 6,7% so với tháng trước.
Trên thị trường năng lượng thế giới, lực bán mạnh cũng diễn ra trong phiên giao dịch ngày 10/6. Giá dầu Brent giảm nhẹ khoảng 0,25%, xuống mốc 66,87 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI cũng giảm khoảng 0,47%, xuống mốc 64,98 USD/thùng.
Tâm điểm chú ý của thị trường quốc tế đang hướng về vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại London (Anh). Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick bày tỏ sự lạc quan, cho biết các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc đang tiến triển tích cực.
Ngân hàng Thế giới vừa công bố dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, ngoại trừ các giai đoạn suy thoái, chủ yếu do căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách gia tăng.
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 đã bị hạ xuống còn 2,3%, giảm so với mức 2,7% trong báo cáo tháng 1. Ngân hàng Thế giới nhận định, các chính sách thuế quan gia tăng cùng tình trạng bất ổn chính sách đã tạo ra “chướng ngại đáng kể” cho hầu hết các nền kinh tế.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng dự báo giá dầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới. Cả hai mặt hàng chủ chốt là dầu Brent và dầu WTI được dự báo sẽ duy trì đà giảm trong phần còn lại của năm 2025.