Theo báo cáo của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục mở rộng đà tăng sang phiên thứ hai liên tiếp.
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục tăng trưởng
Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng hơn 0,3% lên mức 2.276 điểm. Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá dầu cọ tăng mạnh do nhu cầu nhiên liệu sinh học gia tăng.
Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường nguyên liệu công nghiệp với 6 trên 9 mặt hàng đồng loạt tăng giá; trong đó, giá dầu cọ Malaysia trên sàn Bursa tăng 4,51% lên mức 968,4 USD/tấn.
Nhu cầu từ Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh. Tính riêng trong tháng 5, Ấn Độ đã nhập khẩu 593.000 tấn dầu cọ – mức cao nhất trong 6 tháng và tăng 84% so với tháng trước.
Tại Trung Quốc, dù đã có những điều chỉnh giảm kế hoạch nhập khẩu olein, nước này vẫn duy trì sức mua ổn định để phục vụ nhu cầu thực phẩm và công nghiệp.
Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới đang tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thông qua chương trình nhiên liệu sinh học B40.
Dự kiến chương trình này sẽ hấp thụ khoảng 14,9–15,6 triệu tấn dầu cọ cho sản xuất biodiesel trong năm 2025, cao hơn 3-4 triệu tấn so với năm 2024.

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm sau khi xuất hiện những tín hiệu hạ nhiệt đầu tiên trong căng thẳng giữa Israel và Iran.
Kết phiên, giá dầu Brent giảm 1,35% xuống còn 73,23 USD/thùng, trong khi dầu WTI cũng giảm 1,66%, chốt ở mức 71,77 USD/thùng.
Nhiều nguồn tin quốc tế cho biết Iran đã bày tỏ mong muốn hướng tới một thỏa thuận đình chiến với Israel.
Nếu các bất đồng giữa Mỹ và Iran được giải quyết, khả năng Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ mở ra, qua đó tạo điều kiện để dầu thô Iran quay trở lại thị trường quốc tế.
OPEC vừa công bố báo cáo thị trường dầu tháng 6, ghi nhận tổng sản lượng của nhóm OPEC+ trong tháng 5 đạt 41,23 triệu thùng/ngày.
Mức tăng này vẫn thấp hơn đáng kể so với kế hoạch ban đầu là tăng 411.000 thùng/ngày trong tháng 5.